MỐI TÌNH CỦA HOA SEN TRẮNG

Quyển Idyll of the White Lotus  là một trong ba tác phẩm được đề nghị cho ai muốn biết về đường Đạo nên mời bạn đọc bài dịch từ số này. 

Lai lịch sách thật lạ lùng. Tác giả, bà Mabel Collins, viết:

“Lúc đó tôi ở trong căn nhà tại khu Adelphi, London, nhìn thẳng ra sông Thames nơi có trụ đá đen gọi là Cleopatra’s Needle. Cột trụ bằng đá hoa cương, tạc vào năm 1475 trước tây lịch, được mang về London theo đường thủy và dựng ở bờ sông. Nó được đặt ngay bên dưới cửa sổ căn nhà. Lần đầu tiên thấy cột trụ tôi cảm nhận có một gương mặt trên ấy, và chẳng bao lâu sau tôi khám phá là không có ai khác thấy vậy. Đó là gương mặt người Ai Cập, đầy uy lực và ý chí, và vô cùng sống động. Ảnh hưởng của nó rất lạ lùng vì bề ngang khuôn mặt cũng bằng bề ngang của cột trụ, và nó cho tôi cảm tưởng như ấy là một thực thể bị giam hãm, quá lớn so với khoảng không gian mà nó bị cầm giữ bên trong đó.
“Tôi không thể đưa ra giải thích nào cho việc này, chỉ có thể nói rằng không có lần nào nhìn cột trụ mà không thấy gương mặt, đôi lúc tôi thấy nó nhắm mắt với vẻ bình an sâu xa của Ai Cập trên mặt, nhưng thường thấy hơn với mắt mở, nhìn đó đây với ánh mắt bí hiểm khôn dò.
“Lập tức ngay sau khi cột trụ được đưa vào chỗ năm 1878, tôi bắt đầu cảm biết có một dòng lần lượt những tu sĩ khoác y trắng đi tới cửa căn nhà, lên cầu thang vào phòng tôi đang ngồi và đứng quanh tôi. Sự việc như vậy xẩy ra luôn luôn, và tôi đâm ra quen thuộc với ánh lấp lánh của bộ y trắng giữa cảnh u ám thường gặp ở khu này tại London.
“Lúc đó tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết, viết không ngưng tay. Chị dâu tôi khi ấy ở chung nhà và chị bận rộn vẽ nên cũng làm việc luôn tay. Chúng tôi thường ngồi chung một bàn lo chuyện của mình, chị với bản họa ở một bên kia bàn và tôi phía bên này, viết mà theo thói quen viết rất mau, thẩy tờ giấy qua bên khi viết xong, không đợi có giờ cho mực khô trên trang. Một hôm chúng tôi làm việc theo cách này khi tôi thấy dòng tu sĩ đi tới trước cửa căn phòng. Tôi ngẩng lên nhìn họ một lát, thấy họ sắp xếp chỗ thành đứng chung quanh như thường lệ. Rồi tôi quay trở lại chuyện viết lách của mình vì tôi phải chạy đua với thời gian cho kịp, và không muốn mất thì giờ dù chỉ vài phút để nhìn vào đoàn tu sĩ Ai Cập, với gương mặt bình thản, có chủ tâm, trong bộ y đẹp hết sức lấp lánh mầu trắng.
“Tôi hay tả các vị ấy cho chị dâu nghe, nên lần này tôi chẳng thèm nói cho chị hay là có họ ở đó, mà tiếp tục cắm cúi viết. Chị ngẩng lên nhìn tôi và để ý thấy người tôi có thay đổi; tôi hóa ra cứng đờ hay tựa như ai đó đã hóa đá theo lời chị tả; mắt tôi nhắm kín mà cứ viết tiếp tục liên miên, viết nhanh như thường lệ, và chị thấy tôi vất hết trang này rồi trang kia qua bên khi viết xong, còn ướt mực.
“Chuyện tiếp diễn trong một khoảng thời gian đáng kể rồi cuối cùng tôi mở mắt và buông bút. Tôi mệt đừ, nhưng hoàn toàn không ý thức sự kiện là mình mất tri thức - hay đúng hơn là đã xuất thần ra ngoài thể xác, hay bất cứ tâm trạng mà người ta muốn gọi. Chị không nói gì mà nhìn kỹ tôi, thấy tôi cầm lên một tờ bản thảo của mình, nhìn vào đó, kinh ngạc không thốt nên lời khi khám phá nó không phải là một trang chuyện tôi đang viết như đã nghĩ, mà là điều hoàn toàn và tuyệt đối xa lạ đối với tôi.
“Tôi nhặt lên trang trước rồi trang sau, nhìn chúng với vẻ kinh ngạc y vậy. Tôi thấy là mình cầm trong tay trọn phần Mở Đầu và chương đầu của quyển Idyll of the White Lotus. Chị dâu tôi nay không còn trên đời để chính mình kể lại việc này, nhưng trong gia đình chị ai cũng biết vì chị hay thuật nó. Đối với tôi đó là kinh nghiệm rất tuyệt vời, vì cho tới khi ấy tôi chưa hề biết cảm giác được mang ra khỏi thân hình, để bàn tay và cây viết của tôi có thể được một trí khác sử dụng mà tôi không có mặt ở đó, nếu tôi có thể nói vậy, là sao.”
Kinh nghiệm như thế tiếp tục cho đến khi bà viết xong bẩy chương đầu của sách và ngưng lại ở đó. Sách gồm bẩy chương được xuất bản lần đầu năm 1882. Khi chương bẩy hoàn tất, các tu sĩ không còn tới với bà nữa. Tuy bà rất nóng lòng muốn viết cho xong chuyện nhưng phải tới bẩy năm sau mới làm được, trong khoảng thời gian từ 1885 đến 1886, lúc bà gặp nhiều vấn đề và bị đau ốm,
“… chuyện được viết trở lại do một quyền lực bí ẩn bên ngoài tôi mà đối với họ tôi được chọn làm phương tiện, và chuyện viết xong theo cùng cách như bẩy chương đầu được viết, mà tôi không hay biết một chữ nào.”
Đầu tiên chuyện được đăng báo rồi sau đó được chi bộ Theosophy tại London xuất bản thành sách và phân phát cho hội viên. Bà cho rằng sách được ‘một Vị gợi hứng’ và mô tả lại hình dạng nhân vật này với ông Olcott, bảo mình viết tác phẩm hoặc trong lúc xuất thần hoặc được đọc cho viết. Dựa theo lời mô tả của bà, HPB và ông Olcott cả hai cùng nhận ra đó là vị Chân Sư người Hy Lạp, đức Hilarion (ngài cũng gợi hứng hai sách khác đã đăng trên PST là Vòng Nhân QuảCon Đường Lành Bệnh, mời bạn đọc nếu chưa xem). Hình chụp một trang bản thảo cuốn này cho thấy nó không giống như chữ viết bình thường của bà. Mabel Collins kể thêm là sau khi sách hoàn tất, Vị này thúc giục bà tập để có tâm thức cao hơn vì có công việc cho bà làm. Nỗ lực ấy đưa tới cuốn sách thứ hai Light on the Path. Quyển này cũng có được theo cách thức tương tự, vào khoảng tháng 10 - 1884, lần này chị dâu của bà cũng hiện diện. Mabel Collins kể.
“Có một hôm tôi được mang ra khỏi thân xác, đưa ra khỏi chỗ tôi đang ở tới một nơi chốn khác rất lạ, nơi tôi thấy mình đi lại tới lui trong một thân xác lạ khác hẳn, dùng ngũ quan của nó với sự khó khăn như đứa trẻ cảm thấy khi dùng ngũ quan mới có của em. Tôi được một người đầy uy lực cầm tay dắt đi như một em nhỏ, chỉ cho tôi biết vật nào cần nhìn vào, và tôi đứng trước một trong các bức tường. Tôi rất hân hoan nhìn nó, vì tường xinh đẹp không gì sánh bằng. Nó chiếu rực với ngọc quí, từ sàn cho tới nóc mờ xa, mỗi một phân trên bức tường lộng lẫy này được cẩn ngọc dầy đặc, vẻ lấp lánh và chói ngời làm hoa mắt tuyệt diệu.
“Tôi được dạy nhìn kỹ và rồi thấy những viên ngọc xếp theo thứ tự và khuôn mẫu. Sự chú ý không của tôi chưa đủ, mà còn cần đến sự giúp đỡ của vị hướng dẫn mới làm tôi nhìn ra được, là các thứ tự và khuôn mẫu này là các mẫu tự họp thành chữ và câu. Nhưng tôi thấy được vậy, và được dặn phải nhớ rất kỹ càng nhiều càng hay những gì có thể đọc được, để viết xuống giấy ngay khi tôi trở về xác thân.”
Hai kinh nghiệm khác nhau ở chỗ lần thứ hai này bà chủ động, cố gắng có ý thức trong điều kiện khác. Bà gọi gian phòng to lớn này là ‘the Hall of Learning - Phòng Học Hỏi’. Bạn có thể đọc thêm quyển The Voice of the Silence - Tiếng Vô Thinh có giải thích về ý nghĩa của phòng. Chân Sư H. xuất hiện trở lại với Mabel Collins, đọc cho bà viết phần kết quyển Idyll of the White Lotus và trọn quyển Light on the Path. Phần Karma của quyển sau được viết vào tháng 12 - 1884. Quyển Light on the Path được xuất bản năm 1885.
Bà có tài năng và đứng tên chung với HPB là đồng chủ bút tạp chí Lucifer khi báo ra đời năm 1887, và giữ chức vụ này hai năm. Năm 1888 trường Bí Giáo E.S. thành lập, bà được nhận làm học viên nhưng chỉ bốn ngày sau bị cho ra. Tới tháng hai năm 1889, bà mất tên không còn là đồng chủ bút tờ Lucifer nữa. Có bất hòa xẩy ra giữa HPB và Mabel Collins, dẫn tới việc bà Collins đưa đơn kiện HPB vào tháng bẩy 1889 nhưng vụ kiện chỉ được xử vào tháng bẩy 1890. Phiên xử rất ngắn ngủi vì luật sư bên bị cáo (HPB) trước đó đưa cho luật sư của nguyên cáo (M. Collins) xem một lá thư, và người sau đọc xong lập tức ra tòa xin bãi nại, vì không đủ chứng cớ để tiếp tục việc kiện tụng. Về phần bà Collins thì sách ghi bà ngất xỉu khi được cho thấy bức thư này. Tới nay nội dung thư vẫn không được tiết lộ. Tính ra lúc ban đầu Mabel Collins tỏ ra có nhiều hứa hẹn về mặt viết sách huyền bí, nhưng về sau bà viết các bài báo và ra sách bài bác HPB lẫn các Chân Sư.

Dầu vậy, khi quyển Idyll of the White Lotus được xuất bản thành sách năm 1884, trang đầu tiên ghi:
Xin Dâng Hiến
TÁC GIẢ THỰC
Vị Gợi Hứng Sách Này

Lời Bạt
Những trang tiếp đây là chuyện đã được thuật trong mọi thời đại và có cho tất cả mọi người. Nó là thảm kịch của Linh hồn. Bị Dục Vọng cám dỗ, yếu tố thống trị trong phàm ngã của con người, họ hạ mình phạm tội; sự đau khổ làm họ thức tỉnh và tìm giúp đỡ từ Linh hồn cứu độ bên trong; và nhờ sự hy sinh sau cùng đạt tới đỉnh và ban ân phước cho nhân loại.

Mở Đầu
Hãy xem tôi đứng lẻ loi, một mình giữa nhiều người, một cá nhân đơn độc giữa đám đông kết tụ. Và tôi lẻ loi vì giữa những huynh đệ của tôi, người hiểu biết, tôi duy nhất là người vừa hiểu biết vừa giảng dạy. Tôi chỉ dạy tín đồ ở cổng, và được uy lực ngự trong thánh điện thúc đẩy làm chuyện này. Tôi không có lối thoát, vì trong nơi tối thẳm sâu ở đền cực thánh, tôi nhìn thấy ánh sáng của đời sống nội tâm và được thúc giục tỏ lộ nó, và nhờ nó tôi đứng vững và hóa mạnh mẽ. Bởi, cho dù tôi đã chết, phải cần đến mười giáo sĩ của đền thờ mới làm tôi chết đi, và cho dù vậy, vì thiếu hiểu biết họ tưởng rằng mình đầy quyền lực.

Quyển I
Chương I
Tôi bước qua cổng đền thờ bắt đầu giai đoạn tu sinh để vào hàng giáo sĩ, khi chưa có lông tơ lún phún trên cằm mà sau này thành ria mép.
Cha mẹ tôi là người chăn dê ở bên ngoài thành phố. Tôi chưa hề bước vào bên trong vòng tường thành phố cho tới hôm mẹ dẫn tới cổng đền. Đó ngày lễ ở thành phố và mẹ tôi, người đàn bà siêng năng và cần kiệm, do vậy làm được hai việc cho chuyến đi của mình. Mẹ đưa tôi đến nơi, và rồi đi ra hưởng ngày lễ ngắn ngủi giữa cảnh vật, hình ảnh của đô thị.
Tôi say mê với đám đông và tiếng ồn của đường phố. Tôi nghĩ bản tánh của mình luôn là cố gắng hòa vào trọn khối to lớn mà nó là một phần thật nhỏ bé, và do sự hòa nhập ấy có được sức sống cho mình.
Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi tách ra khỏi dòng người chen chúc tấp nập ấy. Chúng tôi đi vào một cánh đồng rộng, xanh tươi mà phía bên kia có con sông thiêng, thân yêu của chúng tôi tuôn chẩy. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảnh trí ấy biết bao ! Trên bờ sông tôi thấy những mái chạm trổ và vật trang hoàng lấp lánh của đền thờ lẫn các tòa nhà chung quanh, chiếu sáng trong không khí trong trẻo buổi sáng. Tôi không thấy sợ chi, vì không có kỳ vọng nào rõ rệt. Nhưng tôi tự hỏi cuộc sống bên trong những cánh cổng đó có đẹp như tôi tưởng chăng.
Có một tu sinh mặc y đen đứng ở cổng, nói chuyện với một người đàn bà từ thành phố ra, bà mang theo những bình nước và nài nỉ thúc giục một trong các giáo sĩ làm phép cho bình. Sau đó bà sẽ bán món hàng quí này mà dân chúng mê tín sẽ trả giá cao.
Trong lúc chúng tôi đứng chờ để tới phiên mình hỏi thăm, tôi len lén dòm qua cánh cổng và thấy một cảnh tượng làm tôi kinh sợ. Nỗi sợ hãi ấy kéo dài một lúc lâu, ngay cả khi tôi đã quen thuộc gần như hằng giờ với hình dạng đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ như vậy.
Đó là một trong số các giáo sĩ mặc y trắng, bách bộ chậm rãi dọc theo con đường rộng dẫn tới cổng. Tôi chưa bao giờ thấy một giáo sĩ y trắng trước đây cả, trừ một dịp duy nhất khi xưa tôi đến thành phố chơi. Dịp đó tôi thấy nhiều vị này trên thuyền thánh giữa đoàn rước trên sông. Vậy mà nay vị như vậy ở gần tôi, đang tiến đến tôi. Tôi nín thở chờ.
Không khí thật tĩnh lặng, nhưng khi giáo sĩ bước đi bên dưới bóng mát che đường, làm như không ngọn gió phàm trần nào có thể làm tung bộ y trắng oai nghi. Bước của ông cũng có tính cách như vậy. Ông cất bước, mà làm như không giống chút nào cách những người phàm xốc nổi khác bước đi. Mắt ông cúi xuống đường nên tôi không thể thấy được; và quả thực là tôi khiếp sợ nếu đôi mi rũ xuống ấy nhướng lên. Nước da ông trắng, tóc có mầu vàng mờ nhạt. Râu dài, đầy đặn nhưng tôi cho là nó có cùng nét bất động lạ lùng ấy, có vẻ gần như là được chạm khắc. Tôi không thể tưởng tượng là râu có thể bị gió thổi dạt qua bên. Tựa như nó được cắt ra từ thỏi vàng và làm cho cứng chắc mãi mãi. Trọn con người ông cho tôi ấn tượng như vậy - như là một thực thể hoàn toàn nằm ngoài cuộc sống của phàm nhân.
Người tu sinh nhìn quanh, chắc ánh mắt của anh bắt gặp tia nhìn chăm chú của tôi, vì tai tôi không nghe thấy gì từ bước chân của vị giáo sĩ.
– A, anh nói, giáo sĩ Agmahd đây rồi. Để tôi hỏi thầy.
Anh đóng cánh cửa sau lưng, quay vào và chúng tôi thấy anh nói chuyện với giáo sĩ, người sau hơi nghiêng đầu. Anh quay ra, cầm lầy những bình nước của thiếu phụ mang vào cho giáo sĩ, và ông đặt tay lên chúng chừng một giây. Bà đón lấy chúng, cảm ơn rối rít rồi tới phiên chúng tôi được hỏi chuyện.
Chẳng bao lâu sau chỉ còn tôi đứng một mình với tu sinh y đen. Tôi không lo lắng mà rất nể sợ. Tôi không hề thích việc cũ của mình là chăn dê cho ba, và tự nhiên là tôi đã được nghe nhiều về ý là tôi sắp thành người khác hẳn với những kẻ chăn dê thông thường khác. Cánh cổng đóng lại sau lưng tôi, và tu sinh y đen khóa nó lại bằng chìa khóa to anh đeo ở thắt lưng. Cử chỉ ấy không làm tôi có cảm tưởng bị cầm tù, mà chỉ là ý thức về sự cô lập và tách biệt. Ai có thể liên kết việc cầm tù với cảnh tượng đang bầy ra trước mắt tôi ?
Cánh cửa đền thờ đối diện với cổng ở cuối con đường rộng xinh đẹp. Nó không phải là đường lộ tự nhiên có cây được trồng trên đất và lớn mạnh tự do rậm rạp theo ý chúng. Nó là đường có nhiều chậu to lớn bằng đá, trồng bụi cây có kích thước vĩ đại mà thấy rõ là được tỉa cắt và uốn hết sức cẩn thận, thành những hình kỳ lạ. Giữa các bụi cây này là một khối đá vuông trên đó có một hình tượng được chạm khắc. Những tượng gần cổng nhất mà tôi thấy có hình con nhân sư sphinx và những con vật to lớn đầu người; nhưng sau đó tôi không dám ngẩng mắt tò mò nhìn chúng, vì tôi lại thấy đi tới gần chúng tôi, trên đường thả bộ đều đặn tới lui của ông, là vị giáo sĩ râu vàng Agmahd.
Đi bên cạnh người dẫn đường, tôi cúi gầm mắt nhìn xuống đất. Khi anh ngừng, tôi cũng ngưng và thấy mắt nhìn vào gấu bộ y trắng của giáo sĩ. Gấu áo được thêu tinh xảo với chữ vàng óng, đủ làm tôi chăm chú nhìn và khiến tôi mê mẩn một lúc.
– Một tu sinh mới ! Tôi nghe một giọng nói rất êm nhẹ và ngọt ngào. ‘Chà, cho hắn vào trường; hắn vẫn còn là thiếu niên. Ngẩng lên nào, cậu bé, đừng sợ.’
Tôi nhìn lên khi được khuyến khích như vậy, và bắt gặp ánh mắt của giáo sĩ. Mắt ông, dù trong lúc ngượng nghịu tôi vẫn nhận ra, có mầu thay đổi, mầu xanh dương và xám. Nhưng tuy có sắc êm dịu như vậy, chúng không cho tôi sự khích lệ mà tôi nghe được trong giọng nói của ông. Đôi mắt bình thản thực đó, đầy hiểu biết, nhưng nó làm tôi run rẩy.
Ông phất tay cho chúng tôi lui, và tiếp tục thả bộ đều đặn theo con đường; còn tôi, dễ run hơn trước đó, lặng lẽ đi theo người dẫn đường im tiếng. Chúng tôi đi vào cánh cổng lớn ở giữa đền thờ, làm bằng những phiến đá đồ sộ không mài dũa. Tôi chắc cái nhìn dò hỏi của giáo sĩ đã làm tôi sợ hãi, vì tôi nhìn những khối đá ấy với lòng hoảng hốt mơ hồ.
Từ cửa giữa này, bên trong tôi thấy một lối đi thẳng, dài tiếp theo con đường xuyên qua tòa nhà. Nhưng đó không phải là lối của chúng tôi. Chúng tôi quay sang bên, đi vào một chỗ có nhiều lối đi nhỏ hơn thông với nhau, và xuyên qua mấy gian phòng nhỏ trống không. Sau cùng chúng tôi đến một căn phòng to và đẹp. Tôi nói đẹp, tuy nó trống trơn không bàn ghế trừ cái bàn ở một góc. Nhưng phòng có kích thước thật lớn, cấu trúc rất thanh nhã nên dù con mắt tôi, không quen phân biệt các nét mỹ lệ của kiến trúc, cũng có ấn tượng một cách kỳ lạ và cảm thấy thỏa lòng.
Có hai thiếu niên khác ngồi ở bàn trong góc, hoặc vẽ hoặc sao chép tôi không thấy rõ. Sao đi nữa tôi thấy họ rất bận rộn và tôi tự hỏi họ có ngẩng đầu chút nào để xem chúng tôi vào chăng. Nhưng khi bước đến gần, tôi cảm nhận là đằng sau một trong các phiến đá lớn của bức tường ở đấy có một giáo sĩ lớn tuổi mặc y trắng, nhìn vào một cuốn sách đặt trên đầu gối của ông.
Ông không để ý có chúng tôi vào, cho đến khi người dẫn đường của tôi đứng cúi mình kính cẩn chào ngay trước mặt ông.
– Học trò mới à ? ông hỏi, và nhìn tôi chăm chú với đôi mắt mờ trông lem nhem. ‘Hắn biết làm chuyện chi ?’
– Dạ, con chắc chẳng biết gì, người dẫn đường của tôi đáp, nói về tôi với giọng coi khinh dễ dàng. Thằng bé chỉ biết chăn dê.
– Thằng bé chăn dê ư ? ông giáo sĩ già nhắc lại, vậy hắn chẳng được tích sự gì ở đây đâu. Tốt nhất cho hắn ra làm vườn. Con có học vẽ hay học sao chép bao giờ chưa ?
Tôi đã được dạy những chuyện này đầy đủ rồi, nhưng thành quả như vậy hiếm thấy, ngoại trừ trong trường cho hàng giáo sĩ và trong lớp nhỏ cho giới có học ngoài tầng lớp giáo sĩ. Ông giáo sĩ già nhìn bàn tay tôi rồi quay trở lại cuốn sách của mình.
– Rồi hắn cũng phải học, ông nói, nhưng ta có quá nhiều việc sao mà dạy hắn được. Ta muốn có thêm người giúp cho việc làm của ta; nhưng với các kinh sách cần sao chép bây giờ, ta không có giờ để dạy kẻ chưa biết. Ít nhất cho hắn ra làm vườn rồi để từ từ ta coi. (tt)

Xem Các Bài MỐI TÌNH CỦA HOA SEN TRẮNG